Bảo tàng Hà Tĩnh vừa hoàn tất thủ tục tiến hành thỏa thuận, tiếp nhận một mặt trống đồng cổ Đông Sơn.
Mặt trống đồng cổ Đông Sơn. Ảnh: internet
Mặt trống đồng cổ Đông Sơn. Ảnh: internet
Mặt
trống đồng này được phát hiện tại xóm Yên, xã Thuần Thiện, huyện Can
Lộc, có đường kính 45cm, nặng khoảng 4kg, có 9 vòng hoa văn đồng tâm.
Phần giữa mặt trống là đường tròn rộng hơn 10 cm. Bên trong mặt trống có
ngôi sao hình mặt trời 10 cánh, xen giữa được điểm xuyết bằng những
đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau. Quanh tâm trống là vòng
tròn chạm khắc hoa văn hình chữ J gãy khúc, còn lại là biểu tượng khắc
nổi hình 3 con chim Lạc đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ, tiếp đến
là các đường viền tròn kích cỡ khác nhau chạm nổi các hoạ tiết hoa văn
hình học, như hoa văn xoắn ốc hình quả trám, hoa văn răng cưa và vạch
ngắn song song đều nhau.
Mặc
dù một phần hiện vật đã bị hoen gỉ, không còn nguyên vẹn, tuy nhiên
theo nhận định của Bảo tàng Hà Tĩnh, đây là mặt trống đồng Đông Sơn cổ
rất độc đáo, quý hiếm, lần đầu tiên được phát hiện tại địa bàn Hà Tĩnh
với niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, thuộc vào loại trống
đồng Đông Sơn Heger II, nhóm B.
Cũng
giống như các vùng miền khác, trong dòng chảy văn hóa Đông Sơn, Hà Tĩnh
cũng không nằm ngoài sự vận động chung. Chính vì thế, việc phát hiện
mặt trống đồng cổ này đã chứng tỏ sự lan tỏa rộng lớn của văn hóa Đông
Sơn trên dải đất Việt Nam và cũng chứng tỏ sự khéo léo, tài hoa của
người Hà Tĩnh cổ xưa. Được biết, mặt trống đồng này đưa về Bảo tàng tỉnh
Hà Tĩnh để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giữ gìn và trưng bày.