Ngoài 3 môn thi chính bắt buộc của kì thi THPT quốc gia năm nay, trong số các môn tự chọn còn lại, theo thống kê sơ bộ từ một số Sở GD&ĐT trên toàn quốc, thí sinh chọn môn Địa lý chiếm tỉ lệ cao nhất.
Ông Nguyễn Hóa, Phó giám đốc Sở
GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, địa phương này vừa hoàn thành việc
thống kê khảo sát sơ bộ, dựa trên số lượng học sinh của các trường THPT
trên địa bàn (chưa kể thí sinh tự do và thí sinh ở các TT giáo dục
thường xuyên).
Theo đó, kết quả ban đầu cho thấy, số
học sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Địa lý chiếm số
lượng nhiều nhất (khoảng 48%), tiếp đến là môn Hóa học (37%). Các môn có
số lượng học sinh đăng kí thấp hơn là Lịch sử và Sinh học.
Tại Vĩnh Phúc, qua kết quả khảo sát ban
đầu của Sở GD&ĐT, trong số hơn 10 nghìn học sinh lớp 12 đăng kí khảo
sát chất lượng THPT năm 2016, số học sinh đăng kí tự chọn môn Địa lý
cao nhất 4.162 em (tỷ lệ 45, 46%); môn Lý có 2.658 học sinh (tỷ lệ
29.03%), môn Hóa có 1.659 học sinh (tỷ lệ 18.12%), môn Sinh có 501 học
sinh (tỷ lệ 5,47%), môn Sử có 219 học sinh (tỷ lệ 2.39%).
Nhiều thí sinh đăng kí tự chọn môn Địa lý (ảnh: Minh họa)
Theo ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, hiện Sở này đang tổng hợp số lượng học sinh đăng kí thi các môn tự chọn. Trong đó, có khả năng môn Địa lý vẫn đăng kí với số lượng cao nhất do đây là môn dễ "ăn điểm" hơn so với một số môn khác.
Chiều 29/2, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng vừa có văn bản yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 của học sinh. Theo đó, các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức thăm dò hai nội dung: Học sinh dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng hay chỉ để xét tốt nghiệp THPT và các môn đăng ký dự thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên gửi kết quả thăm dò về Sở chậm nhất ngày 2/3/2016.
Địa phương tự xoay sở
Trong khi Bộ GD&ĐT chưa có văn bản
chỉ đạo về kì thi THPT quốc gia, các sở GD&ĐT đang phải tự biên tự
diễn. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT 2016 cũng đang dừng lại ở khâu
khảo sát và chuẩn bị, do vẫn chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GD&ĐT.
Một số địa phương cho biết, quy chế cụ
thể chưa có nhưng Bộ GD&ĐT có yêu cầu các địa phương phải trả lời về
phương án tổ chức cụm thi và một số phương án khác nên khá khó khăn.
Theo ông Hoàng Đức Minh, hiện Bộ
GD&ĐT chưa có văn bản chỉ đạo nhưng bộ yêu cầu các tỉnh báo cáo về
cụm thi. Chúng tôi chắc chắn phải tổ chức hai cụm thi xét tốt nghiệp và
cụm thi xét vào ĐH.
Sở sĩ phải tổ chức hai cụm thi là do đặc
điểm địa bàn Lai Châu là tỉnh miền núi, học sinh ở xa thành phố, đi lại
khó khăn. Trong khi đó, số lượng thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp
thường lên tới gần 50%, bởi vậy, tổ chức 2 cụm thi riêng sẽ giúp các thí
sinh đỡ mất công đi lại.
Ngoài ra, theo quy chế của Bộ GD&ĐT,
môn Ngoại ngữ đã được triển khai dạy ở Lai Châu. Tuy nhiên, ông Minh
cho biết, trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất và giáo viên
chưa được ổn nên sở vẫn xin thi môn thay thế cho môn Ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Hóa cũng chia sẻ, mọi công
tác khảo sát và lựa chọn môn thi của Kon Tum chỉ mới là sơ bộ ban đầu,
dành cho học sinh khối các trường THPT. Dự kiến tháng 5 tới, Sở
GD&ĐT mới có tổng hợp về tình hình đăng kí của thí sinh tự do và
khối Giáo dục thường xuyên.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi
THPT 2016 cũng đang dừng lại ở khâu khảo sát và chuẩn bị, do vẫn chờ
hướng dẫn chính thức từ Bộ GD&ĐT. (ảnh minh họa)
Theo ông Hóa, nhìn chung so với năm ngoái, số lượng học sinh đăng kí các môn thi tự chọn có tỉ lệ tương đương năm ngoái (năm 2015 có 49% thí sinh thi tự chọn môn Địa, năm nay dự kiến khoảng 48%). Môn Lịch sử năm 2015 có 33%, năm 2016 dự kiến là 31%.
Số lượng học sinh đăng kí xét tuyển vào đại học khoảng 65% và số thí sinh chọn thi một mục tiêu chỉ xét tốt nghiệp là 35%.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho
biết, tất cả các trường THPT có học sinh thi THPT quốc gia năm 2016 (37
trường) đều tổ chức ra đề khảo sát chất lượng, đánh giá thẩm định đề (đề
xuất) khảo sát chất lượng ở đầy đủ 8 môn: Toán, Văn, Tiếng Anh, Lý,
Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Công tác tổ chức ra đề (đề xuất) khảo
sát chất lượng ở các đơn vị được thực hiện nghiêm túc, nộp đầy đủ hồ sơ
thẩm định và đúng thời gian quy định. Nhìn chung đề đáp ứng được yêu cầu
của kỳ thi THPT quốc gia, nội dung kiến thức bám sát chương trình, có
sự phân hóa tốt, độ chính xác cao.
Tuy nhiên, một số đề của một số trường
chưa tốt, mắc nhiều lỗi về kiến thức, độ phân hóa chưa cao, đôi khi còn
mắc lỗi về cấu trúc, cá biệt có đề sao chép trên mạng nên không đáp ứng
được yêu cầu.